Quay lại

Thực hiện tốt vai trò động lực, dẫn dắt của khoa học và công nghệ

Chuyên mục: Khoa học công nghệ | Đăng lúc: 09:06:43 - 11/06/2021 | Số lần đọc: 652


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại buổi làm việc

Theo đó, nhiều nội dung quan trọng đã được khẳng định như: Đảng và Nhà nước luôn xác định và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KH&CN, luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu; trong bối cảnh mới, KH&CN cần thực hiện tốt hơn vai trò động lực, dẫn dắt của mình; quan tâm làm tốt hơn nữa việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực KH&CN trong và ngoài nước; việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN phải hướng tới phục vụ sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách liên quan đến KH&CN, truyền cảm hứng, tôn vinh trí thức, nhà khoa học;… Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án thành lập Hội đồng điều phối hoạt động KH, CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò động lực, dẫn dắt của KH&CN.

KH&CN hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp, địa phương

Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN sáng ngày 27/5, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, phát biểu của các đồng chí dự họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận, đưa ra những nội dung quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm Bộ KH&CN cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới.

Cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KH&CN, luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu. Qua hơn 30 năm đổi mới của đất nước, KH&CN đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. KH&CN hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhận thức đầy đủ về vai trò của KH&CN, đi đôi với sự quan tâm đúng mức, cụ thể, thiết thực của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị là vấn đề quan trọng số một để KH&CN có thể phát triển và thực hiện tốt vai trò của mình.

Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức: từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần thượng tôn pháp luật; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tình trạng cạn kiệt tài nguyên; xu hướng già hóa dân số; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh… thì KH&CN lại càng phải thực hiện tốt hơn vai trò động lực, dẫn dắt của mình. Trước hết phải kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình thay đổi, xây dựng cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá, dự báo đúng xu thế, tham mưu với Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực công tác, từ nghiên cứu lý luận đến hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, pháp luật để điều chỉnh và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động khác của xã hội.

Kết luận cũng chỉ rõ, thời gian qua, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn cả về nguồn nhân lực và điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, nhưng ngành KH&CN đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách và đã đạt được nhiều thành tích có ý nghĩa, góp phần đáng kể vào thành tích chung của cả nước. Nổi bật là: Khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, trực tiếp là dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng; Khoa học cơ bản đạt được một số thành tựu, một số lĩnh vực khoa học tự nhiên tiếp tục giữ thứ hạng cao trên thế giới và trong khu vực ASEAN; Khoa học ứng dụng có bước tiến rõ nét, tiêu biểu mới đây là những sản phẩm, công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19 như bộ KIT phát hiện vi rút SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn và được bán tại Châu Âu, vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người;  Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập, năm 2020 đứng thứ 42/131 quốc gia. Thời gian gần đây, nguồn lực tài chính xã hội đầu tư cho KH&CN tăng mạnh, tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực với tỷ lệ 52% và 48%...
 

Vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người.
 

8 nhiệm vụ trọng tâm

Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được nêu trong Báo cáo, đồng thời lưu ý Bộ KH&CN cần tập trung làm tốt một số nội dung.

Thứ nhất, kế thừa, phát huy truyền thống và những thành tích, thành tựu đã đạt được, những bài học kinh nghiệm; đoàn kết, chung sức, chung lòng, quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả hơn để làm tốt chức năng, nhiệm vụ và vai trò được giao.

Thứ hai, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, mặc dù sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo và hỗ trợ của Đảng, Nhà nước là không nhỏ nhưng cũng còn chưa đáp ứng yêu cầu; toàn ngành KH&CN cần thống nhất quan điểm: Phải đề cao tinh thần tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để vươn lên, để trưởng thành, khẳng định và phát triển. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết dứt điểm từng việc, không dàn trải, không để dây dưa, kéo dài làm lãng phí nguồn lực và làm mất động lực.

Thứ ba, quan tâm làm tốt hơn nữa việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực KH&CN cả trong và ngoài nước; chủ động thiết kế các công cụ để phân cấp mạnh hơn đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST.

Thứ tư, việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN phải hướng tới phục vụ sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN.  Chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển KH&CN, thu hút nhân lực chất lượng cao và khơi thông nguồn lực đầu tư cho KHCN&ĐMST. Tinh thần là phát triển KH&CN không chỉ đơn thuần hướng tới mục tiêu tăng trưởng, mà còn phải gắn với phát triển văn hoá, phát triển con người và an sinh xã hội; phục vụ mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó lưu ý phát triển và quản lý hiệu quả các sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng theo hướng lưỡng dụng.

Thứ năm, đầu tư phát triển cho KH&CN phải có trọng tâm, trọng điểm, bám sát vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng vùng, miền, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chỉ số phát triển con người.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Bộ KH&CN cần chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19, trong đó lưu ý hỗ trợ hoạt động sản xuất vắcxin.

Thứ sáu, chú trọng hơn công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xây dựng các công cụ phù hợp để phân cấp mạnh hơn gắn với việc cụ thể hoá trách nhiệm cá nhân và tăng cường công tác giám sát, kiểm tra. 

Quán triệt và thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu. Tổ chức, bộ máy phải sắp xếp tinh gọn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW. Công tác cán bộ phải đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong điều kiện hiện nay theo Nghị quyết số 26-NQ/TW. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nhất là người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách liên quan đến KH&CN, truyền cảm hứng, tôn vinh trí thức, nhà khoa học.

Thứ tám, chủ động, tích cực hơn trong hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu KH&CN của thế giới, nhất là những, công nghệ mới, tiên tiến của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu và đặc biệt là phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện nay.

Thành lập Hội đồng điều phối hoạt động KHCN&ĐMST

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và kết quả mà ngành KH&CN đã đạt được. Qua đó, góp phần thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, nâng cao chỉ số phát triển con người và tăng cường hội nhập quốc tế.

Những kết quả nêu trên là do Bộ KH&CN đã chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ; đoàn kết, thống nhất và kế thừa truyền thống tốt đẹp của toàn ngành KH&CN qua các thời kỳ; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; chủ động, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập cần khắc phục đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẳng thắn nhìn nhận và báo cáo. Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ, đồng thời nhấn mạnh, ngoài việc tiếp tục nâng cao nhận thức một cách đầy đủ của toàn xã hội về vị trí, vai trò động lực, dẫn dắt của KH&CN, toàn ngành KH&CN phải phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tích cực, chủ động, sáng tạo để cùng nhau chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Kết luận, Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án thành lập Hội đồng điều phối hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với một số kiến nghị, đề xuất cụ thể, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình, ủng hộ chủ trương. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết theo thẩm quyền và xin ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi một số chế độ, chính sách cho sát với thực tế, nhất là chế độ, chính sách cho các nhà khoa học, nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học và các đề tài, đề án…
 

Doanh nghiệp ngày càng chú trọng đầu tư cho KH&CN.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN



THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 6

Hôm nay: 182

Tháng này: 2996

Tổng lượt truy cập: 70545