Chi tiết hỏi - đáp

Thủ tục gia hạn giấy chứng nhận nhãn hiệu (Số lượt xem: 274)
Hỏi : (Phạm Đình Tuấn - tuantaichinh.ktks@gmail.com - )

Tháng 9 năm 2010 Tổng công ty chúng tôi có đăng ký và được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu kể từ ngày nộp đơn 30/09/2010 Giấy chứng nhận có hiệu lực là 10 năm kể từ ngày nộp đơn, nay sắp hết hạn vậy chúng tôi xin hỏi Cục sở hữu trí tuệ là : - Đến thời hạn hết hạn của giấy chứng nhận thì Cục sở hữu trí tuệ có thông báo cho đơn vị không ? - Thủ tục để xin gia hạn Giấy chứng nhận đơn vị phải chuẩn bị gồm các loại giấy tờ gì ? - Chi phí xin gia hạn là bao nhiêu? Mong Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ giải đáp cho đơn vị. Xin trân trọng cám ơn!

Trả lời :

Liên quan đến việc gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCNĐKNH), Cục Sở hữu trí tuệ xin trả lời Quý Bạn đọc như sau:
1. Thủ tục gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ (VBBH)
Theo quy định tại điểm 20.4.b) Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011, Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/02/2013 và Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN). Để được gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCNĐKNH) trong vòng 06 tháng tính đến ngày GCNĐKNH/BĐQ KDCN hết hiệu lực, chủ GCNĐKNH phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ đơn yêu cầu gia hạn và phí thẩm định yêu cầu gia hạn, lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, phí sử dụng văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ.
Đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực GCNĐKNH có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên nhưng không được vượt quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí gia hạn hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.
Hồ sơ gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ gồm:
- Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, làm theo Mẫu 02-GH/DTVB theo quy định tại Phụ lục C của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ (trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ);
- Giấy ủy quyền (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện);
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
2. Liên quan đến phí, lệ phí gia hạn hiệu lực VBBH.
Theo quy định tại các điểm 3.1 mục A, 1.6, 4.1,4.2, 5.1 mục B Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016  của Bộ Tài hính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp thì phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cụ thể như sau:
- Lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 100.000đ/nhóm sản phẩm, dịch vụ (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu)
- Phí thẩm định yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 160.000đ/01 văn bằng bảo hộ;
- Phí công bố thông tin về sở hữu công nghiệp: 120.000đ/01 đơn gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ;
- Phí đăng bạ thông tin về sở hữu công nghiệp: 120.000đ/01 văn bằng bảo hộ;
- Phí sử dụng văn bằng bảo hộ: 700.000đ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ.
3. Cách thức nộp đơn
Quý Bạn đọc có thể nộp đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ qua bưu điện, Quý Bạn đọc cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
Trân trọng./.
Tệp đính kèm: Mẫu tờ khai gia hạn/ duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp.

0 thành viên thích câu trả lời này