Quay lại

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất con lai Trĩ - Gà tạo sản phẩm gia cầm mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Chuyên mục: Đề tài - Dự án | Đăng lúc: 09:12:11 - 30/12/2021 | Số lần đọc: 640


Ngày 28/12/2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn giao trực tiếp nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thực hiện đợt 2 năm 2022: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất con lai Trĩ - Gà tạo sản phẩm gia cầm mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

Th.S Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch hội đồng chủ trì phiên họp

Đề tài do Học viện Nông nghiệp Việt Nam là cơ quan chủ trì, thực hiện trong thời gian 24 tháng (từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2023).

Mục tiêu chung của đề tài nhằm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất con lai Trĩ - Gà tạo sản phẩm gia cầm mới giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm, nhằm củng cố và phát triển bền vững thương hiệu “gà đồi Yên Thế” tỉnh Bắc Giang. Cụ thể: Nghiên cứu lai tạo thành công con lai F1 Trĩ - Gà có đặc điểm ngoại hình và chất lượng thịt đặc trưng khác biệt với các giống gà khác tại địa phương; Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật khai thác tinh và lai tạo con lai F1 Trĩ - Gà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi con lai F1 Trĩ - Gà; Xây dựng mô hình sản xuất con lai F1 Trĩ - Gà với với quy mô 100 con chim Trĩ trống, 1000 con gà mái nền; tỷ lệ trứng có phôi đạt ≥ 60%, tỷ lệ trứng có phôi nở ≥ 70%, tỷ lệ con lai mới nở loại 1 đạt ≥ 90%; Xây dựng mô hình chăn nuôi thương phẩm với quy mô 5000 con lai F1 Trĩ - Gà, tỷ lệ nuôi sống đạt ≥ 90%, khối lượng con mái đạt 1,3-1,5 kg, khối lượng con trống đạt 1,5-1,7 kg sau 4 tháng nuôi có chất lượng thịt thơm, ngon, đặc trưng.

Th.s Ngô Thành Trung, chủ nhiệm đề tài trình bày thuyết minh trước hội đồng

Đề tài sử dụng 02 giống chim Trĩ là chim Trĩ xanh và chim Trĩ đỏ khoang cổ, và 03 giống gà: LV1, LV2 và ISA Brown làm đàn mái nền để nghiên cứu tạo thành con lai F1 Trĩ - Gà có năng suất, chất lượng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hội Chăn nuôi Việt Nam, thành viên phản biện 1 góp ý thuyết minh đề tài

Nghiên cứu nội dung của đề tài, các thành viên hội đồng cho rằng, mục tiêu đề tài rõ ràng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt hàng của UBND tỉnh và cho thấy được sự cần thiết phải triển khai, thực hiện nhiệm vụ; đề tài đã tổng quan được tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước; các nội dung, phương pháp, kỹ thuật sử dụng trong nghiên cứu phù hợp để đạt được mục tiêu của đề tài; sản phẩm của đề tài có tính thực tiễn cao, có khả năng đăng ký sở hữu trí tuệ, các kết quả của đề tài là tư liệu khoa học có giá trị, có khả năng sử dụng đào tạo sau đại học… Tuy nhiên, để hoàn chỉnh thuyết minh, các thành viên hội đồng tư vấn đã có một số kiến nghị, yêu cầu chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung như: về tổng quan tình hình nghiên cứu, nguồn tư liệu về nghiên cứu ngoài nước đã cũ cần được bổ sung mới và có thêm những nghiên cứu về chim Trĩ cho nghiên cứu trong nước; tập trung tới các công nghệ sinh học ứng dụng trong chọn tạo, nhân giống gia cầm; các công nghệ kỹ thuật trong sinh sản, nên đưa ra một số kết quả nghiên cứu cụ thể về thụ tinh nhân tạo trên gia cầm, lai xa trên ngan vịt…;  bám sát vào việc hỗ trợ phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế, đặc điểm sản phẩm, giá trị thực phẩm của chim Trĩ, nhu cầu sản phẩm của thị trường, khả năng cung cấp sản phẩm tại Bắc Giang cũng như đàn gà sinh sản có tiềm năng phát triển tại địa phương để làm cơ sở luận giải sự cần thiết của việc thực hiện đề tài; các nội dung nghiên cứu cần logic, cụ thể từng công việc; phương pháp nghiên cứu bám sát các nội dung thực hiện của đề tài, khi mô tả thí nghiệm nên lập bảng trình bày để dễ hiểu, dễ theo dõi và bố trí; trong tóm tắt hoạt động khoa học của tổ chức cần đưa các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài, bổ sung thành viên thực hiện chính có chuyên môn về chăn nuôi, sinh sản, dinh dưỡng trên gia cầm; số lượng tổ chức tham gia phối hợp nên rút gọn, thống nhất  thực hiện là 2 đơn vị: Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang và Hợp tác xã giống Gia cầm Mạnh Ngân; trong sản xuất con lai thương phẩm, xem xét thử nghiệm cùng một phương thức chăn nuôi tại hai địa điểm khác nhau để có sự so sánh, đối chiếu, đánh giá khách quan, xác thực, đảm bảo mức độ đồng đều, ổn định của từng phương thức chăn nuôi; việc lấy mẫu đánh giá chất lượng sản phẩm cần so sánh với bộ chỉ tiêu của gà đồi Yên Thế đã được công bố để chỉ ra những điểm vượt trội, cũng như mặt còn hạn chế; xây dựng báo cáo đánh giá hiệu quả kinh tế của đề tài; bổ sung quy trình phòng bệnh; thiết kế lại nội dung sao cho kinh phí phù hợp với đặt hàng của UBND tỉnh; quan tâm công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật viên, đảm bảo sau khi nhiệm vụ kết thúc, hai đơn vị sản xuất có thể tiếp nhận, làm chủ quy trình kỹ thuật chuyển giao và thực hiện thành công công tác sản xuất con giống.

Qua đánh giá, chấm điểm, các thành viên hội đồng tư vấn thống nhất thực hiện đề tài, yêu cầu chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa thuyết minh theo những góp ý của thành viên hội đồng để trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện./.

Nguồn: Sở KHCN tỉnh Bắc Giang



THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 5

Hôm nay: 156

Tháng này: 2970

Tổng lượt truy cập: 70519