Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các tình và thành phố của Việt Nam năm 2020
Chuyên mục:
Tin tức tổng hợp | Đăng lúc: 09:08:36 - 17/08/2021 | Số lần đọc: 812
Cùng với Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), một số tỉnh đã ban hành cả Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên/thanh niên khởi nghiệp và Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như An Giang, Gia Lai, Kiên Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hòa Bình và Bắc Ninh. 22 tỉnh/thành phố đã ban hành quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bình Định, Cà Mau, Đà nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, ... 4 tỉnh đã triển khai các cuộc thi, tuyên truyền, dự án khởi nghiệp hoặc lồng ghép nội dung hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong các văn bản hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) hay đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đang trình ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST gồm: Bạc Liêu, Nam Định, Bắc Giang và Tây Ninh. Có 23 tỉnh/thành phố xây dựng và vận hành cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo (KNST) của địa phương.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thông qua việc ban hành nhiều văn bản liên quan đến KH&CN, đặc biệt là chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; thúc đẩy phát triển sở hữu trí tuệ; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao;...
Các tỉnh/thành phố đã đưa ra và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch và quyết định để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như:
- Hà Nội: phê duyệt “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025” với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo và 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm; phê duyệt “Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thành lập và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội”; xây dựng Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp StartupCity.vn với sự tham gia của hơn 800 startup; triển khai một số hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo như: Chương trình đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo cho startups và huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố; hỗ trợ thực hiện các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới, kết nối hệ sinh thái, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm. Hà Nội hiện có khoảng hơn 26 tổ chức là các vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian làm việc chung với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp bài bản như: Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; Công ty TNHH BK-Holdings của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội; Vườn ươm tư nhân Wecreat Vietnam; Việt Nam Silicon Valley, Up-Co...
- TP. Hồ Chí Minh: ban hành Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nâng cao năng lực ĐMST cho 3.000 doanh nghiệp và phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đến năm 2025; ra mắt Trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI Innovation Hub); mở rộng không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST từ 1.500m2 lên 6.500m2 tại 273 Điện Biên Phủ Quận 3 và 79 Trương Định Quận 1; ký hợp đồng phối hợp tổ chức thực hiện 12 hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; xây dựng Bộ giáo trình đào tạo khởi nghiệp ĐMST theo chuẩn quốc tế do trường Đại học Bách Khoa chủ trì; xúc tiến hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và ĐMST thành phố, đây sẽ là đầu mối cho các hoạt động về ĐMST, kết nối các đơn vị trong hệ sinh thái; tổ chức các sự kiện về khởi nghiệp ĐMST như Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh 2020 (WHISE 2020), Ngày hội Khởi nghiệp Vùng (Techfest Vùng 2020), Chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp ĐMST Speedup 2020; Giải thưởng Khởi nghiệp và ĐMST Thành phố (I-Star 2020); ...
- Đà Nẵng: triển khai thực hiện Chuyên đề "Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, ĐMST tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao"; phê duyệt “Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên” với mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm về khởi nghiệp ĐMST quốc gia khu vực miền Trung - Tây Nguyên mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, đến năm 2045, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm công nghệ và ĐMST hàng đầu châu Á; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế, chính sách tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 và thí điểm các cơ chế, chính sách (sandbox) nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên; quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025; xây dựng Cổng thông tin Khởi nghiệp ĐMST TP. Đà Nẵng (giai đoạn 1); triển khai Chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch - dịch vụ VST 2020 dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành du lịch - dịch vụ trên cả nước; tổ chức Triển làm khởi nghiệp ĐMST TP. Đà Nẵng (SURF 2020) trực tuyến do COVID-19; ... Đến nay, Đà Nẵng đã xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn thành phố với 6 vườn ươm (trong đó có 2 vườn ươm của Nhà nước), 2 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng và 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đã ươm tạo 137 dự án khởi nghiệp ĐMST (trong đó, Đà Nẵng có 69 dự án, 68 dự án của các địa phương khác) tập trung ở các lĩnh vực như: du lịch, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thực phẩm, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, môi trường...
- Hải Phòng: phê duyệt Kế hoạch Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP. Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nâng cấp, mở rộng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố trên cơ sở hạ tầng sẵn có, tiến tới có thể xây dựng khu hỗ trợ dịch vụ khởi nghiệp tập trung của thành phố với đầy đủ các khu chức năng: Tòa nhà trung tâm bố trí không gian làm việc chung, không gian làm việc riêng, phòng họp, phòng hội thảo, khu tổ chức sự kiện, tiến tới phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cấp vùng duyên hải Bắc Bộ; khu không gian sáng tạo, phòng thí nghiệm chế tạo; khu ươm tạo dự án khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; khu ươm tạo dự án công nghệ 4.0; khu ươm tạo dự án công nghệ chế biến thực phẩm và các công trình phụ trợ. Bên cạnh đó, Hải phòng cũng đã xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi liên quan đến khởi nghiệp ĐMST; tổ chức Techfest Hải Phòng và tham gia Techfest quốc gia, ngày hội khởi nghiệp vùng; phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động khởi nghiệp thành phố; đào tạo, tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng, kết nối và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp....
- Bình Định: phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019-2025”; ban hành Quyết định quy định một số nội dung chi và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Định; xây dựng Khu không gian chung hoạt động khởi nghiệp (Bihub) với diện tích rộng hơn 200m2, được trang bị hiện đại, không gian làm việc đầy sáng tạo; trình Ban Bí thư Đề án “Phát triển Khu Đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, trong đó hạt nhân là phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Đây là tiền đề để tỉnh triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, ...
- Thừa Thiên Huế: phê duyệt đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020; phê duyệt Đề án Cố đô khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức các sự kiện truyền thông cho khởi nghiệp như Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế, Diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; v.v..
- Quảng Ninh: thành lập 23 Câu lạc bộ khởi nghiệp, 13 Câu lạc bộ Đầu tư - Khởi nghiệp thuộc Đoàn thanh niên các địa phương với trên 400 thành viên, 7 Câu lạc bộ Nữ doanh nhân khởi nghiệp, 3 Trường Đại học trên địa bàn đều thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp; tổ chức 7 cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, 4 cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên. Tỉnh đã tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV; tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, doanh nhân thông qua sự kiện “Cà phê Doanh nhân với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, “Cà phê công nghệ - Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh Quảng Ninh lần thứ II với hơn 30 ý tưởng của các tác giả, nhóm tác giả tham gia dự thi, có 7 ý tưởng tham dự vòng chung kết; ...
Có thể nói, sau 5 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, hoạt động khởi nghiệp đã diễn ra vô cùng sôi động trên phạm vi cả nước, môi trường khởi nghiệp tại các địa phương bắt đầu phát triển, nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã được tổ chức.
Tuy nhiên chưa có sự đồng đều giữa các tỉnh, thành phố mà tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nghệ An, ... còn lại các địa phương thuộc các tỉnh/thành vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên,... dừng lại ở mức độ tuyên truyền, tổ chức các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Các hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa tỉnh, thành phố trong khu vực, cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế./.
Nguồn Bản tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số 25.2021