Quay lại

Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp | Đăng lúc: 07:10:48 - 08/10/2021 | Số lần đọc: 363


Ngày 07/10/2021, sau hơn 03 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

 

"Giấy thông hành” vào thị trường khó tính

Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản. Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể nói như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…). Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.

Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15 tháng 11 năm 2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT, và ngày 08 tháng 7 năm 2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, câu chuyện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản là một câu chuyện dài và thú vị, giúp Cục Sở hữu trí tuệ thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác hỗ trợ các đặc sản địa phương của Việt Nam vươn ra thế giới, là một bước khiêm tốn mà Cục Sở hữu trí tuệ sẽ nỗ lực để làm được, đó là giúp cho các đặc sản vùng miền gắn tên với các địa danh của Việt Nam được bảo hộ bằng một cơ chế bảo hộ tương đối mạnh, bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, Cục Sở hữu trí tuệ đã tung nhiều lực lượng, ở nhiều mặt trận để góp phần đem lại thành công cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản. Vốn nổi tiếng là một thị trường “khó tính”, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp. Vì vậy, để có thể vượt qua được “ngọn thái sơn” này, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.

Để có thể có những bước đi thuận lợi nhất, các cơ quan hữu quan đã phải tác động ở nhiều cấp, các kênh hợp tác song phương được thực hiện tích cực. Tiếp xúc các cấp, từ thượng đỉnh, cấp cao cho đến cấp kỹ thuật, đều đề cập đến nội dung này, trong đó, ở cấp cao nhất, phải kể đến việc Tuyên bố chung giữa Thủ tướng của hai nước trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6 năm 2017 có nội dung “…sẵn sàng nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý”.

Tiếp đó, một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, có thể coi là có tính chất mở đường cho việc nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản, là Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản, theo đó, hai bên cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý hai nước, và trên cơ sở Bản ghi nhớ, hai bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước còn lại. Thanh long Bình Thuận nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn, dựa trên tiêu chí danh tiếng, thị trường tiêu thụ, sự quan tâm của chính quyền địa phương, và sản phẩm có hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.

Bên cạnh việc tạo dựng cơ sở pháp lý, thực hiện các tác động chính trị cho quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản, Cục Sở hữu trí tuệ thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) cũng hỗ trợ việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản. Tiến trình kéo dài hơn 03 năm và thực sự là một quá trình khó khăn. Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ thanh long Bình Thuận vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kỹ thuật của hồ sơ đơn và khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận cho biết, đây là nhiệm vụ quan trọng, lãnh đạo UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN là đầu mối cung cấp các tài tiệu, số liệu, thông tin liên quan đến chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận cho Cục Sở hữu trí tuệ khi được yêu cầu. Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ Hiệp hội thanh long Bình tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung đã được phê duyệt trong Dự án để chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được cấp bằng trong thời gian sớm nhất.

Vốn là một thị trường “khó tính” hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về sửa đổi hồ sơ cho phù hợp với yêu cầu phía Nhật Bản như lược bỏ đặc tính không cần thiết của quả thanh long Bình Thuận (theo khuyến nghị của FIAB); bổ sung tài liệu chứng minh danh tiếng sản phẩm.

Tuy nhiên cái khó nhất, hơn cả vải thiều Lục Ngạn là yêu cầu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm (chứng minh đặc tính của sản phẩm được tạo ra từ phương pháp sản xuất đã được duy trì trong ít nhất 25 năm rất khó vì không tìm được tài liệu chứng minh cần thiết và các tài liệu bổ trợ chứng minh mối tương quan giữa điều kiện tự nhiên và đặc tính của sản phẩm). Khó khăn tiếp theo đó chính là sửa đổi, đề xuất điều chỉnh các số liệu về đặc tính sản phẩm nhằm mục tiêu mở rộng phạm vi quyền đối với chỉ dẫn địa lý, ngoài ra phía Nhật Bản còn đề nghị cung cấp các số liệu cập nhật mới nhất đối với đặc tính của thanh long Bình Thuận.

Để đẩy nhanh tiến độ và đáp ứng các yêu cầu đề ra, Cục sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã làm việc với các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các tiêu chí, đã bổ sung tài liệu chứng minh, đồng thời tìm kiếm các tài liệu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm, theo đó, cuốn “Cây thanh long” NXB TPHCM năm 1997 của PGS.TS Nguyễn Văn Kế được xác định sử dụng làm tài liệu bổ trợ. Ngoài ra, tiến hành thống nhất với phía Nhật Bản và Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận lựa chọn đơn vị thực hiện cập nhật phân tích đặc tính sản phẩm thanh long Bình Thuận, khảo sát ý kiến người tiêu dùng, nhà phân phối thanh long Bình Thuận làm cơ sở chứng minh cho đánh giá xã hội đối với đặc tính của sản phẩm.

Ông Văn Công Thới khẳng định, nhờ có sự phối hợp của các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký đã được điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn thẩm định về: tập thể nhà sản xuất; tài liệu chứng minh danh tiếng sản phẩm đăng ký; và tài liệu chứng minh đặc tính và thực tế sản xuất sản phẩm 25 năm, tạo thuận lợi và thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xét duyệt hồ sơ đơn đăng ký CDĐL của Việt Nam vào Nhật Bản, đề nghị cung cấp thông tin về bảo hộ tự động GI (chỉ dẫn địa lý) giữa Việt nam và EU làm tài liệu bổ trợ cho “đánh giá xã hội”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08/6/2020 phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, danh sách 39 GI được bảo hộ tự động theo Hiệp định này (trong đó có cả thanh long Bình Thuận) đã được gửi tới Cục công nghiệp thực phẩm- FIAB làm căn cứ bổ sung cho nội dung danh tiếng.

Với sự vào cuộc của nhiều ban ngành, tổ chức, cá nhân, những khó khăn này đã từng bước được giải quyết, giúp hoàn thiện các quy trình đăng ký cần thiết theo quy định của pháp luật Nhật Bản, để đến ngày hôm nay, thanh long Bình Thuận đã trở thành sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Theo ông Đinh Hữu Phí, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Thách thức sau bảo hộ

Dù xuất phát cùng thời điểm nhưng thời gian “cán đích” của các chỉ dẫn địa lý trên lại không giống nhau. Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau song nhìn chung, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của Việt Nam tại Nhật Bản thường gặp nhiều khó khăn do tiêu chuẩn của họ rất cao và chặt chẽ.

Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung. Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì “họ hiểu rẳng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn”.

Vì vậy, ông Đinh Hữu Phí nhận định, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản. Đã, và sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp, Bộ, ngành, để thanh long Bình Thuận tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình.

Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận. Khó khăn lớn nhất phải kể đến, là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hội sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Tiếp đó, nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật, cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát. Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước và Hội, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người trồng thanh long, sẽ góp phần đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ, đảm bảo chất lượng, xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng quan điểm trên, ông Văn Công Thới Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận chia sẻ, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận.

Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như: nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo… Tuy nhiên, do sản phẩm thanh long tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái cây tươi không bảo quản được lâu nên việc tiêu thụ thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu. Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2 - 3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu. Hiện tại có năm đơn vị của Bình Thuận đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu và cũng là năm nơi dự kiến cung cấp thanh long sang Nhật Bản: huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết.

Theo đại diện UBND tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.

Với vai trò và tầm quan trọng như trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan hỗ trợ các hiệp hội nghề nghiệp đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho sản phẩm quả thanh long. Điều này đã nâng tầm danh tiếng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Trước mắt, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” để nâng cao uy tín, giá trị cho thanh long Bình Thuận; Tổ chức các hội thảo tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, doanh nghiệp thanh long về sản xuất, sơ chế, đóng gói thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; Liên kết, hợp tác các cơ quan chuyên ngành đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…; Tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng trồng thanh long, xây dựng vùng chuyên canh thanh long theo hướng VietGAP …; Tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; Tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ quả thanh long; Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thanh long; Hỗ trợ phát triển mở rộng thị trường...

Nhằm tiếp tục thúc đẩy, ưu tiên hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương, Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021, Bộ KH&CN đã phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển Tài sản trí tuệ, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm.

Có thể thấy việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận thành công tại Nhật Bản là một niềm tự hào của người dân và chính quyền các cấp của tỉnh Bình Thuận. Cục Sở hữu trí tuệ, cơ quan đầu ngành của Nhà nước về sở hữu trí tuệ, đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào quá trình này trên mọi phương diện. Vẫn còn đó nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt qua, tuy  nhiên, từ câu chuyện quả vải, thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tin rằng trong thời gian tới đây, nông sản Việt Nam sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để thêm nhiều sản phẩm đạt được thành công như quả thanh long đã làm được, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Australia và nhiều nước khác trên thế giới.
 

Hình ảnh Thanh Long Bình Thuận:

Nguồn: most.gov.vn



THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 6

Hôm nay: 159

Tháng này: 2973

Tổng lượt truy cập: 70522