Quay lại

Tuyên Quang: Vào mô hình "5 cùng", nông dân giúp nhau làm giàu từ trồng bưởi hữu cơ

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp | Đăng lúc: 16:11:56 - 01/11/2021 | Số lần đọc: 351


Tham gia mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp “5 cùng, 5 tự”, nông dân huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) có nhiều cơ hội tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Giúp nông dân liên kết trồng bưởi hữu cơ

Anh Phạm Thành Công (thôn Yên Thắng, xã Thắng Quân) là 1 trong những nông dân trồng bưởi giỏi có tiếng ở huyện Yên Sơn. Anh Công hiện có 2ha diện tích trồng bưởi đường - giống bưởi đặc sản ở Tuyên Quang. Hướng tới trồng bưởi sạch, hơn chục năm nay, anh Công không sử dụng thuốc diệt cỏ mà đã chuyển qua cắt cỏ để cây trồng được phát triển tốt.

Anh Công phân tích như thể một nhà khoa học thực thụ. Anh Công bảo: Bằng mắt thường ta không thể thấy được lượng rễ cây như lớp dây tơ hồng, tất cả đều tỏa rộng và ngoi lên cả mặt đất để tìm kiếm dưỡng chất. Vô tình người nông dân phun thuốc diệt cỏ thì rễ sẽ bị tổn thương. Bộ rễ của cây nó chả khác gì hệ tiêu hóa của mình vậy, rễ yếu thì không thể cung cấp dưỡng chất nuôi hoa, nuôi quả. Cây yếu dần đi, quả nhỏ và vàng, nguy cơ cây "ra đi" là rất lớn.

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Tuyên Quang thăm vườn cây ăn quả của hộ ông Phạm Văn Đắc, thành viên Chi hội nghề nghiệp sản xuất hữu cơ thôn Văn Lập, xã Thắng Quân (Yên Sơn). Ảnh: L.T

Nhận thức được như thế, nên anh Công và người dân trong thôn đều không sử dụng thuốc diệt cỏ để đảm bảo an toàn cho cây và chính môi trường sống của mình. Tuy nhiên đó là điều chưa đủ để trồng bưởi hữu cơ mà cần nhiều điều hơn thế. 

Để hỗ trợ anh Công cũng như nhiều nông dân ở Thắng Quân trồng bưởi hữu cơ bài bản, tháng 9/2020, Hội ND xã đã thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất hữu cơ Thắng Quân.

Trao đổi với PV Báo NTNN, anh Vũ Thanh Tùng - Chủ tịch Hội ND xã Thắng Quân cho biết: Hiện nay, toàn vùng trồng cây ăn quả tập trung của xã có khoảng 80ha, chủ yếu là bưởi đường và cam. Chi hội hiện có hơn 40 thành viên là các hộ dân sinh sống chủ yếu tại 2 thôn Văn Lập và Yên Thắng.

Chi hội tập hợp những hội viên có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho nhau giao lưu trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ cho năng suất và chất lượng.

Theo báo cáo Hội ND huyện Yên Sơn, thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN về đẩy mạnh xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, đến nay, các cấp Hội ND huyện Yên Sơn đã vận động, thành lập được 13 chi hội nông dân nghề nghiệp và 8 tổ hội nông dân nghề nghiệp với tổng số 378 hội viên tham gia thuộc 19 xã, thị trấn.

Các ngành nghề chủ yếu dựa trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực của các địa phương: Chăn nuôi trâu, bò; trồng rau an toàn, sản xuất lâm sản, nuôi ong lấy mật; trồng bưởi, trồng cây ăn quả, trồng, chế biến chè... Qua đánh giá bước đầu của Hội ND huyện, các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập theo tiêu chí các thành viên "5 cùng" (cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi) đều mang lại hiệu quả cho nông dân.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Hội đã thành lập mới 6 chi hội và 1 tổ hội nông dân nghề nghiệp; nâng cấp 2 tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng cây ăn quả, trồng cây lâm nghiệp xã Thái Bình thành 2 chi hội nông dân nghề nghiệp với 43 thành viên.

Còn nhiều khó khăn

Để mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, các cấp Hội ND huyện Yên Sơn gắn việc vận động, hướng dẫn thành lập với hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi phát triển mô hình kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, Hội ND huyện Yên Sơn đã triển khai 3 dự án phát triển kinh tế từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, đầu tư 950 triệu đồng cho 30 hộ nông dân thuộc 8 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp vay vốn.

Theo ông Nguyễn Đức Hiền - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Yên Sơn: Hiện còn 9 xã chưa thành lập được chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, chủ yếu là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những địa phương này chưa phát triển được cây trồng, vật nuôi chủ lực; hội viên phát triển kinh tế theo quy mô manh mún, nhỏ lẻ nên khó khăn trong công tác tập hợp, thành lập.

Bên cạnh đó, đa phần hội viên nông dân có nguyện vọng khi tham gia chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp để được tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế nhưng nguồn vốn vay ưu đãi từ các dự án kinh tế, nguồn vốn vay của ngân hàng còn hạn chế.

Chị Đặng Thị Niên - Chủ tịch Hội ND xã Trung Minh bày tỏ: Hội ND xã có 8 chi hội, gần 450 hội viên; đa phần là hội viên dân tộc thiểu số, hộ hội viên nghèo và cận nghèo chiếm gần 70%. Mô hình kinh tế của hội viên nhỏ, lẻ. Trung bình hộ nuôi trâu, bò chỉ có từ 1 - 3 con; nuôi lợn từ 3 - 7 con, sản phẩm chủ lực địa phương không có. Bởi vậy, tổ chức Hội của xã chưa thành lập được chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Nếu thành lập được cũng chỉ là hình thức, hiệu quả hoạt động không cao. 

"Hội ND huyện xác định, sẽ định hướng, vận động thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, tuyệt đối không chạy theo số lượng, hình thức. Theo đó, nơi nào dễ làm trước, khó làm sau". 

                                                                           Ông Nguyễn Đức Hiền -
​                                                       Phó Chủ tịch Hội ND huyện Yên Sơn

Nguồn: danviet.vn



THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 5

Hôm nay: 181

Tháng này: 2995

Tổng lượt truy cập: 70544